Miền Tây được biết đến với những con sông chạy dài xa tít tắp, chiếc cầu khỉ chênh vênh được bắt qua con rạch ngoằn ngoèo. Miền Tây – “tình phù sa tuy đục mà trong” đến một lần rồi say mình trước những dòng sông thương nhớ, những chuyến phà kỷ niệm. Để nhớ, nhớ mãi rồi lại tìm về!
30/4 vừa qua, sau những ngày làm việc căng thẳng của anh chị em là một sự kết hợp hài hòa giữa việc đi chia sẻ chút niềm vui với những mảnh đời bất hạnh và cuộc khám phá dài ngày về với mảnh đất mà chúng tôi chưa có dịp đi qua. Cuộc hành trình “cực đã” theo cung đường HCM – Cao Lãnh – An Giang – Châu Đốc – Long Xuyên – Sa Đéc – Vĩnh Long – Cần Thơ và vòng về thành phố Hồ Chí Minh theo con đường cầu Cần Thơ – Mỹ Thuận tuyệt đẹp.
Đường về Miền Tây bây giờ đã khác xưa lắm rồi, bạn có thể phóng xe lên tới 120km/h với con đường cao tốc từ Bình Chánh tới Trung Lương, nhiều đoạn vượt sông bằng những chuyến phà nhỏ nhưng thú vị.
Ngày đầu tiên: HCM – Cao Lãnh – An Giang
Thương tình cho đàn em phải chạy bằng xe máy, chị Hương đã mượn được một con ngựa 7 chỗ rất ư là đẹp của Sài Gòn Ford. Sáng sớm 30/4, anh Chinh, người thực hiện “sứ mệnh” của mình phải dậy từ rất sớm. Chúng tôi, ai nấy đều háo hức với cuộc hành trình này dù biết rằng chuyến đi sẽ không vui trọn vẹn do một số anh chị em với lý do khách quan phải ở nhà.
Chiếc xe 7 chỗ dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh ra Cao Tốc và hướng về Trung Lương, đây là đoạn đường có thể nói là đẹp nhất, thích nhất mà chúng tôi có dịp đi qua.
Bác tài cho dừng chân ở một quán nước ven đường gần Đồng Tháp, mỗi anh chị em chọn một ly đá chanh hay một trái dừa để giải khát và thanh toán hết lượng nước dư trong người ra để tiếp tục cuộc hành trình.
Xe lướt qua những chặng đường với những màu xanh ngút ngàn của cây lá, của những vườn cây ăn trái từ nhà người dân. Lâu lâu mở cửa xe ra, gió từ xa thổi tới đưa mùi hương đặc trưng của trái chín lan tỏa khắp xe làm ngất ngây lòng chúng tôi.
Xe dừng nghỉ trưa và tham quan tại khu du lịch Xẻo Quýt. Xẻo Quýt còn là một khu rừng tràm xanh mát chiếm diện tích hơn 10 mẫu Tây, nằm giữa vùng đất trũng có nhiều loại cây: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng… đặc trưng của Đồng Tháp Mười nguyên sinh, là khu du lịch lý tưởng giới thiệu khi du khách đến thăm Đất Tháp anh hùng.
Với cảnh quan hấp dẫn, không khí trong lành, bữa trưa được dọn ra dưới một ngôi chòi lá, bên trên là những tán cây xanh mát, bên dưới là hồ nước với những chú cá như khoe mình chào đón chúng tôi. Chỉ là những món ăn bình dân miệt vườn: cơm gạo lức với cá rô kho tộ, rau luộc, tôm rim …vậy mà ngon chi lạ. Có lẽ nhờ nguyên liệu “tại chỗ” và tươi rói nơi đây thì phải. Vừa ăn, vừa lắng nghe chim hót, vừa ngắm cá bơi lượn cũng là một cái thú khó tìm ở thành phố. Tiếng kêu thân thuộc như kéo chúng tôi về thời thơ ấu đầy ắp tiếng chim cu.
Xe lại tiếp tục len lỏi qua những tán cây 2 bên đường để về với An Giang – nơi quê hương của Phượng – người cùng tham gia với đoàn chúng tôi. Nơi đây khắc khoải trong tôi một nỗi nhớ về vùng đất kỷ niệm mà cách đây 2 năm tôi có dịp ngang qua.
Vào nhà Phượng – một số anh chị đã nằm nghỉ sau cả chặng đường dài, một số còn lại ra vườn để ngắm những đàn cá ba sa – cá diêu hồng… tranh nhau để đớp những cục mồi, những chùm xoài và mít trái sum sê….Một cảnh tượng hiếm hoi mà nếu không đến Miền Tây, sẽ chẳng bao giờ chúng ta nhìn thấy.
Đoàn chúng tôi dừng chân và nghỉ qua đêm tại đây. Sáng sớm chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình.
Ngày thứ 2: An Giang – Châu Đốc – Long Xuyên – Sa Đéc
Nói đến Châu Đốc – An Giang người ta sẽ nghĩ ngay đến Chùa Bà Chúa xứ, đây là một trọng điểm “hành hương và du lịch” của tỉnh An Giang và của Việt Nam.
Theo truyền tụng trong dân gian thì tượng “Bà” đã có lâu đời. Cách đây khoảng 200 năm, “Bà” được dân địa phương phát hiện và được khiêng từ trên đỉnh núi Sam bằng 12 cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của “Bà” qua miệng “ cô đồng”, nên người dân lập miếu để tôn thờ. Các nhà chuyên môn cho biết tượng Bà Chúa được tạo vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7, bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Khi xưa tượng Bà ngự trên núi Sam gần Pháo Đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại. Bệ đá có chiều ngang 1,6m, dài 0.3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0.34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Với linh thiêng hàng năm có hàng triệu người thập phương đến viếng để cầu xin được phúc lành. Chính vì lẽ đó mà hôm nay đoàn chúng tôi đã ghé qua nơi này.
Rời Chùa Bà Châu Đốc, chúng tôi đến với các Cụ và các em tại Trung tâm bảo trợ người già và trẻ em mồ côi tại Châu Đốc, nơi cách đây 2 năm VTNA chúng tôi đã ghé qua.
Trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 40 cụ và khoảng 30 em mồ côi. Đến nơi đây chúng tôi chẳng có gì ngoài chút tình mà cả đoàn muốn gởi tới những mảnh đời. Cái bắt tay, lời dặn dò, cái ánh nhìn như chia sẻ phần nào sự mất mát, nỗi cô đơn mà những mảnh đời nơi đây phải mang chịu. Những cụ năm nào chúng tôi gặp bây giờ như yếu hơn, lời động viên của chúng tôi, sự chia sẻ và những giọt nước mắt của các Cụ làm tôi như xé lòng. Cầu mong lắm sức khỏe và sự thanh thản cho các cụ, cầu mong lắm sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến nơi này để từng ngày tiếng cười của các cụ được nhân lên, để cuộc sống những ngày cuối đời các cụ thêm chút niềm vui, sự tin yêu và hy vọng.
Thời gian như nhanh hơn khi chúng tôi đến nơi này, thấm thoắt mà đã đến giờ trưa, chúng tôi tranh thủ lên đường để quay về Sa Đéc – nơi dự định tiền trạm cho chuyến đi sắp tới của VTNA chúng tôi.
Trên chiếc xe 7 chỗ sau hơn một ngày hành trình, lần đầu tiên thiếu tiếng cười nói của chị Fi, thiếu sự hài hước của anh Khanh, thiếu tiếng la hét của chị Hương… quay đầu nhìn lại, ai cũng lim dim ngủ, có lẽ mọi người đã thấm mệt. Anh Chinh cố gắng làm tròn “sứ mệnh” của mình và đã đưa chúng tôi đến ngôi chùa Kim Huệ - Sa Đéc.
Tới đây, tôi và chị Nhung tiếp tục công việc của mình, lên gặp Thầy Nguyên Tấn để bàn kế hoạch cho chương trình từ thiện sắp tới. Các anh chị hình như đã tỉnh ngủ và thực hiện những show hình thật đẹp ( nói tới đây hình như muốn ganh tỵ nè). Cuối cùng thì mọi việc đã xong, trời cũng đã về chiều. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
“Bằng mọi giá chúng ta phải đến cầu Cần Thơ”, chị Mai Hương nói. Và thế là, ý nguyện của chúng tôi cũng được thực hiện.
Sau 6 năm thi công với nhiều lần trì hoãn , rồi sự cố…, ngày 24/4/2010, cầu Cần Thơ, cây cầu lớn nhất Đông Nam Á chính thức được thông xe và cũng là lúc những chuyến phà Cần Thơ hoàn thành sứ mệnh cao cả sau gần trăm năm cần mẫn nối đôi bờ sông Hậu.
Xe chạy dọc theo đường dẫn gần 16km để tới cầu, trong lòng chúng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Sự cố xảy ra trên chiếc cầu này ngày 26/9 chắc chắn mỗi người khi đi qua đây vẫn không thể nào quên. Sự ra đi của hơn 100 công nhân đã góp phần làm nên những nhịp cầu vươn mình trên sông Hậu để nối liền những đôi bờ. Tên tuổi của họ sẽ mãi gắn với cây cầu, dù đau thương nhưng đã làm nên huyền thoại bi tráng. Ngay trong giờ phút này đây, mắt thì hướng về những nhịp cầu thật đẹp, tay bấm máy hình liên tục nhưng trong đầu lại nhớ tới những ca từ của nhạc sĩ Phú Quang: “kỷ niệm của tôi, dòng sông thành phố/ bạn bè tôi gục ngã dưới chân cầu”. Mỗi người trong chúng ta bất kỳ ai đi trên cây cầu này hãy nhớ, dưới chân cầu bao người con đã ngã xuống. Chuyến xe chúng tôi đi đã qua khỏi 2 nhịp cầu và hình như vẻ đẹp của cây cầu đã làm nước mắt tôi rơi.
Chúng tôi rời chiếc cầu Cần Thơ để tìm cho mình một chỗ nghỉ chân sau một ngày thấm mệt. Những ngày lễ, khách sạn tại Cần Thơ không chỗ trống. Tìm mãi, gọi hoài, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một nơi nghỉ chân như ý. Tắm rửa, cơm tối và tất cả đều nghỉ ngơi sớm để tiếp tục cuộc hành trình ngày hôm sau.
Ngày thứ 3: Cần Thơ – Vĩnh Long – HCM
Chúng tôi bắt đầu với một ngày mới bằng buổi ăn sáng thật lãng mạn bên bờ sông cạnh khách sạn Mỹ Khánh. Sau đó chiếc xe 7 chỗ đưa đoàn tới khu du lịch Mỹ Khánh với ý kiến của chị Fi. Tại đây chúng tôi có một buổi sáng với đầy ắp tiếng cười và show hình tuyệt đẹp.
Tranh thủ cơm trưa tại đây và quay về TP cho kịp chuyến tàu. Và chúng tôi đã có một kỳ nghỉ như thế. Nhiều tiếng cười và kỷ niệm