Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Chương trình “Tình nguyện mùa đông”: Hướng về vùng lũ miền Trung!

 

Cơn cuồng phong đi qua khúc ruột Miền Trung với sức tàn phá khốc liệt, thời gian qua, cả nước đang đau đáu hướng về …

 

 

Rất nhiều địa phương, nhà dân bị chìm trong mưa lũ, học sinh phải bỏ học, nhiều gia đình phải chịu cảnh mất mát, ly tan, thiệt hại nhiều về tài sản, vật chất làm cho cuộc sống hàng vạn gia đình gặp nhiều khó khăn. Một lần nữa, VTNA thay mặt anh chị em và bạn bè gần xa xin chia buồn sâu sắc với đồng bào ruột thịt các tỉnh bị thiên tai.

 

 

Nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn của đồng bào bị thiên tai, Nhóm  VTNA tha thiết kêu gọi các mạnh thường quân, các anh chị em và bạn bè gần xa cùng chung tay vận động, ủng hộ hiện vật cũng như hiện kim để gởi đến giúp đỡ đồng bào vùng lũ sớm khắc phục những khó khăn và mau chóng ổn định cuộc sống.

 

 

Với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc :”Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, nhóm VTNA rất mong các quý mạnh thường quân, các anh em và bạn bè gần xa hưởng ứng và vận động hiệu quả tài chính, vật phẩm để giúp đỡ thiết thực cho các vùng bị thiên tai nói trên.

 

 

VTNA chỉ đóng vai trò là nhịp cầu nối, là nơi liên kết tất cả anh chị em và các bạn ở nhiều nơi, nhiều thành phần để đến và san sẻ với những mảnh đời không may bị kém may mắn hơn. Tất cả số tiền cũng như vật phẩm vận động được VTNA sẽ về trao tận tay cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và không thông qua một tổ chức nào.

 

 

Ngày 31/12/2010 VTNA sẽ lên đường và chương trình cụ thể như sau:

 

- Nơi đến và cứu trợ: Xã Bình Hải - Huyện Bình Sơn Quảng Ngãi và Nam Trà My - Quảng Nam.

 

- Tổng số phần quà dự tính: 400 phần

 

- Kinh phí dự tính cho 1 phần quà: 300.000đ ( bao gồm gạo, mì, tiền mặt)

 

 

Tổng kinh phí dự tính: 400phần x 300.000đ/1p = 120.000.000 đ ( Một trăm hai mươi triệu đồng chẵn)

 

Nội dung chương trình:

1.      Phương tiện đi lại, thành viên tham gia

-    Do đường xa và thời gian dành cho các thành viên tham gia quá ngắn nên phương tiện đi lại bằng máy bay giá rẻ

 

-    Chi phí vé máy bay đi về: 1.600. 000 đ/1TV

 

-    Chi phí ăn uống và ở 3 ngày: 700.000 đ/TV

Tổng kinh phí cho một thành viên tham gia: 2.300.000 đ/TV

 

Vì một số lý do khi đặt vé nên VTNA chỉ xác nhận cho những thành viên tham gia chắc chắn và đóng tiền vé trước ngày 25/11/2010.

 

2.      Thời gian thực hiện chuyến đi

 

Tối thứ 6 ngày 31/12/2010

 

-    20 giờ 20 xuất phát từ Tân Sơn Nhất

-     21 giờ 20 tới sân bay Đà Nẵng

- 21 giờ 30 - 23g30 về Tam Kỳ - Quảng Nam

 

Thứ 7 ngày 01/01/2011

 

   - 8 giờ ăn sáng, chuẩn bị hàng

  -  9 giờ 30 lên xe vào xã Bình Hải - Bình Sơn – Quảng Ngãi

-    11 giờ - 13 giờ chuẩn bị phát quà

-    13 giờ cơm trưa ở Quảng Ngãi

-    14 giờ - 17 giờ: Tham quan  Quảng Ngãi

-    17 giờ - 24 giờ: Nghỉ ngơi tại Tam Kỳ

 

Chủ nhật 02/01/2011

 

-    7 giờ ăn sáng.

-    8 giờ chất hàng lên xe và xuất phát lên Nam Trà My – Quảng Nam

-    11 giờ - 13 giờ chuẩn bị và phát quà

-    13 giờ - 14 giờ: Cơm trưa

-    15 - 19 giờ lên xe về Đà Nẵng

-    19 giờ - 24 giờ: sinh hoạt tự do, tham quan Đà Nẵng

 

Thứ 2 ngày 03/01/2011

 

Tham quan Bà Nà và về lại Hồ Chí Minh kết thúc chuyến đi.

 

Chương trình sẽ thành công tốt đẹp nếu có sự chung tay góp sức của tất cả các anh chị em, bạn bè và các quý mạnh thường quân.

 

Những việc VTNA cũng như anh chị em đã và đang  làm chỉ là một hạt muối trong lòng Đại Dương, nhưng dù sao khi thêm một hạt muối  cũng ít nhiều làm tăng độ mặn cho Đại Dương mênh mông.

 

Chi tiết liên hệ :

-    Mỹ Diên : 0907.255.348

-    Sóc Kha: 0909. 75.76.83

 

Hoặc chuyển vào TK Vietcombank số: 042.100.371.2471, chủ TK: Nguyễn Thị Mỹ Diên, chi nhánh Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh.

Mọi đóng góp của anh chị em và quý mạnh thường quân được cập nhật tại: http://nhomvongtaynhanai.multiply.com

 

 

Ban tổ chức

 

Trân Trọng

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Khi đại nạn đến anh có thể nắm chặt tay em không?

Chàng trai và cô gái yêu nhau từ thời còn đi học. Cho đến khi hai người đều ra trường và đi làm, tình yêu của họ đã kéo dài được vài năm. Nếu nhìn từ bên ngoài, ai cũng thấy cô gái yêu chàng trai nhiều hơn anh yêu cô ấy rất nhiều. Đúng vậy.

Cô yêu anh sâu đậm và thắm thiết. Dường như cô coi anh là tài sản duy nhất đáng quý trong cuộc đời mình. Thậm chí còn quý hơn cả sinh mạng của bản thân.

Mỗi buổi sáng, cô đều thức dậy rất sớm mua đồ ăn sáng cho anh. Rồi khi trở về nhà, cô lại hâm nóng đồ ăn thật kỹ, vì sợ anh không ăn được sẽ đau bụng. Sau khi hâm nóng rồi, cô mới nhẹ nhàng gọi anh thức dậy. Còn anh, lúc nào cũng chỉ thức dậy trong cái mơ hồ khi nghe tiếng gọi của cô, vội vàng ăn sáng rồi đi làm. Ai cũng nghĩ rằng cô gái yêu chàng trai say đắm như vậy, vì anh mà làm nhiều như vậy, chàng trai sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Và rồi tình yêu của họ sẽ đi đến đích cuối cùng là một cuộc hôn nhân bền vững. Nhưng chỉ có khi hoạn nạn đến, người ta mới nhận ra đâu là tình yêu đích thực.

Một ngày kia, khi cô gái đi qua đường mua đồ ăn sáng cho chàng trai đã không may gặp tai nạn. Vì lúc đó, cô sợ anh muộn giờ đi làm, nên đã vội vã băng qua đường mà không để ý. Một chiếc xe ô tô đã đâm vào cô khiến cô bị thương nặng. Cô gái được đưa vào bệnh viện. Ở đó, các bác sĩ cho cô biết cô đã vĩnh viễn mất một cánh tay.

Chàng trai khi nghe tin cô gái gặp nạn phải vào viện, anh đã rất lo lắng. Ngày đầu tiên, anh mang một bó hoa hồng đến thăm cô, khi anh thấy cô nằm trên giường thiếu mất một cánh tay, khi được biết cô vĩnh viễn mất đi một cánh tay anh đã cực kỳ sửng sốt. Trong cái sửng sốt ấy dường như có xen lẫn chút sợ hãi. Rồi kể từ sau ngày hôm đó, những lần anh đến thăm cô trong bệnh viện thưa dần, và cuối cùng là không còn nữa.

Còn cô gái, ngày ngày vẫn ngóng đợi người yêu vào thăm mình. Trên đầu giường bệnh của cô, vẫn cắm bó hoa hồng mà ngày đầu tiên chàng trai mua tặng khi vào thăm cô. Và rồi trái tim cô cũng dần héo rũ theo năm tháng như những cánh hoa hồng kia. Đó là tình yêu sao? Cô gái đã vì chàng trai mà hi sinh rất nhiều thứ, cho đi rất nhiều thứ, và bây giờ cô phải trả giá bằng chính sinh mạng và cuộc sống của mình. Còn chàng trai, đến một vài lời an ủi, sự quan tâm tối thiểu dành cho cô cũng không có.

Cô đã khóc rất nhiều. Cô nhớ tới có một lần hai người cùng xem một bức tranh hoạt hình nước ngoài. Nội dung của bức tranh đó rất cảm động. Giữa một rừng cánh tay của những người đàn ông đang giơ lên, một người con gái cất tiếng hỏi: “Anh có thể ôm một bó hoa đứng chờ em ở trước cổng nhà dưới trời mưa không? Anh có thể nhận ra màu sắc chiếc áo bơi của em trong hàng trăm hàng nghìn người ở bãi biển không? Anh có thể thản nhiên giặt đôi tất cho em trước ánh mắt của bao nhiêu người không? Anh có thể nắm chặt tay em khi có đại nạn đến không?”. Trong bức tranh hoạt hoạ, rừng cánh tay thưa dần bớt. Cứ sau mỗi câu hỏi, những cánh tay vơi dần. Đến cuối cùng chỉ là một khoảng không trống rỗng.

Cô gái cảm thấy trái tim mình đau buốt. Giống như có trăm ngàn mũi kim đang chích vào khiến trái tim cô nhỏ máu. Chỉ vì câu hỏi khi đại nạn đến anh có thể nắm chặt tay em không thôi sao? Một câu hỏi thật giản đơn. Nhưng vì sao lại không ai làm được điều đó? Lẽ nào tình yêu lại nhỏ bé, lại yếu mềm đến thế, không thể vượt qua được một chút gian nan trắc trở, không thể kinh qua được sóng gió cuộc đời? Có bao nhiêu tình yêu chỉ có cầu vồng rực rỡ mà không có phong ba bão táp? Có bao nhiêu cuộc sống, chỉ có niềm vui mà không có đau khổ? Khi yêu, con người ta có thể nói đến hai từ “mãi mãi”, nhưng đến khi gặp gian nan, thì ai có thể làm được việc nắm chặt tay người mình yêu, nắm chặt lấy tình yêu mà mình đã từng vun đắp?

Bên tai cô gái, vẫn còn văng vẳng câu hỏi...

“Khi đại nạn đến,
anh có thể
nắm chặt tay em không?”




(Theo TGPN).

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Hủ tiếu và cuộc đời!

Mẹ đã đau lòng đến thế nào khi sinh ra gã, mẹ cũng đã khóc quá trời khi từng ngày nhìn gã phải lớn khôn. Thật tâm mẹ muốn gã bé thơ mãi mãi, muốn ở mãi trong vòng tay mẹ. Mà mẹ cũng biết, ừ thì gã có lớn lên đó nhưng tâm hồn gã mãi mãi chẳng lớn lên được tí teo nào đâu.

Lúc còn nhỏ thì không sao, gã cũng không ấn tượng với dáng đi chấm phẩy của mình. Gã chỉ thấy sao vặn vẹo mà đau quá thôi, nhìn gã chập chững tập đi, mẹ gã nhìn gã mà khóc. Mắt mẹ khóc nhưng miệng mà cười, môi mẹ nói rằng, ráng bước đi đi con. Tự mình phải bước đi trên đôi chân của mình dù đôi chân ấy có khập khiễng, mẹ muốn gã hiểu ý nghiã sâu xa đó, nhưng trí óc non nớt của gã "giới hạn" sự hiểu biết mẹ à. Nhưng mẹ an tâm, gã nhủ lòng, vì tim gã biết thổn thức khi nhìn mẹ khóc đấy thôi. Gã yêu mẹ nhất, và mẹ yêu gã nhất!

Khi gã lớn khôn, mà chỉ nói là nói thế thôi, chớ gã chỉ lớn mà chưa khôn ra bao nhiêu. Chẳng sao cả, gã vẫn sống bên cạnh mẹ. Lớn rồi gã cũng thấy sao nhà mình nhiêu đó hà, không có gì thay đổi, nhìn nhà bên cạnh thấy cái gì cũng to. Thắc mắc hoài không biết hỏi ai, đành hỏi mẹ chứ ai. Hỏi lần đầu tiên, duy nhất và từ đó gã chẳng hỏi thêm, vì hỏi rồi gã thấy mẹ khóc. Mẹ còn hỏi gã thích nhà to hay nhà nhỏ, thích cái gì thì nói mẹ mua cho, muốn ăn gì mẹ nấu cho. Sao mẹ cho mà mẹ khóc, sao mẹ nói mẹ cho mà mẹ lại buồn. Không giống như những lần mẹ cho gã gì đó trước đây… Ngây ngô gã hỏi, ngây ngô trả lời, rồi tự cái ngây ngô ấy gã cũng nhận sự khác biệt của mẹ mình và mẹ người ta. Mẹ mình tóc màu trắng, mẹ người ta tóc vàng vàng đen đen. Mẹ mình tay gân cục cục, mẹ người ta tay trắng và có nhiều màu vàng. Mẹ mình ở căn nhà nhỏ, mẹ người ta ở căn nhà to. Mẹ mình phải thức khuya dậy sớm, mẹ người ta cả ngày trong nhà thôi. Mà mẹ người ta thì thương người ta, mẹ mình cũng thương mình, đôi khi gã cũng thấy mẹ người ta thương mình nữa mà. Phải rồi, mẹ của ai người nấy thương, cũng như nhà của ai người nấy ở. Gã cũng có mẹ có nhà, tội gì làm mẹ khóc khi đặt câu hỏi như thế, gã biết mà, hiểu hết mà, chẳng qua gã không có nhiều từ ngữ để diễn đạt thôi. Buồn thật buồn cho kẻ biết suy nghĩ mà lại không thể diễn đạt, chỉ đứng bên rìa mọi thứ vô tình mà thôi.

Là trẻ con thì gã được mẹ chăm lo, lúc ấy tóc mẹ màu đen.

Là người lớn thì gã phải chăm lo lại mẹ, vì tóc mẹ bây giờ màu trắng rồi.

Gã hiểu thế đấy, nhưng làm gì bây giờ, đôi chân khập khiễng, đôi tay khập khiễng… làm gì bây giờ? Đâu đó ở căn nhà to vọng qua lời nhạc "hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo...". gã nghe sao hiểu vậy thôi! Gã thấy thương mẹ quá trời quá đất.

Người ta nói ở đời chẳng có chi là đường cùng cả, gã còn có ích. Một lần mẹ bệnh, gã hớt hơ hớt hải bưng bê tô cháo về nhà cho mẹ (Mẹ vẫn bảo gã dại khờ lắm, dại khờ mà biết mẹ bệnh, dại khờ mà biết mẹ cần thuốc, dại khờ mà biết đi mua cháo, dại khờ mà biết chạy thật nhanh về với mẹ sao mẹ!). Nơi gã sống moị người quen nhìn gã rồi, chẳng ai đâu ở không mà chọc với ghẹo, cũng chẳng ai nỡ làm tổn thương gã cả. Vì hễ là con người ai mà chẳng thương chẳng xót những gì thơ dại, bởi thế lần bưng cháo cho mẹ, người ta phát hiện ra gã vẫn còn có ích. Tức là có khả năng lao động kiếm tiền bằng chính sức mình. Từ sau hôm ấy gã thành anh bồi bàn, kêu thế cho nó sang chứ thật ra gã bưng bê hủ tiếu cho hàng hủ tiếu gần nhà thôi.

Bắt đầu bưng bê hủ tiếu và trở thành công việc thường nhật kiến cho gã vui, cho mẹ vui, cho tóc mẹ ít trắng đi một chút, cho mẹ không thở dài xót xa khi nghe câu hát:

"Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi khổ lắm ai ơi..."


Mồ côi thì ai chẳng khổ, nhưng ai cũng biết với gã nỗi khổ ấy lớn lao biết chừng nào. Bây giờ hằng ngày, hai bàn tay gã vui, hai bàn chân gã vui, cái tô hủ tiếu gã bưng chẳng khi nào bị nghiêng dù gã đi nhiều người nhìn theo ái ngại, sợ đổ mất cái tô hủ tiếu. Mà được ăn hủ tiếu hồi hộp nhìn theo từng bước đi của gã đôi khi làm một vài người cho là thú vị, trước cái ăn phải có "sự kích thích" nào đó thì ăn mới ngon. Người ăn hủ tiếu thích gã, gã thì thích bưng hủ tiếu, "cung" và "cầu" thoả mãn nên cả hai cùng khoái chí lẫn nhau.

Vậy là gã sống hạnh phúc bằng cái nghề bưng bê hủ tiếu của mình. Nhưng mà, có một bữa trời mưa, có đứa bé ngồi chờ tô hủ tiếu của gã bưng đến, đứa bé hỏi chớ: "Chú bưng hủ tiếu suốt đời luôn hả chú?". À, nếu có bà mẹ đứa trẻ ở đó hẳn là sẽ la lên "Sao con hỏi vậy với chú, thôi lo ăn đi!" nhưng vì chú bé ngồi một mình và không có mẹ theo kèm, nên nhận được câu trả lời khó nhọc mà cũng khó hiểu từ gã rằng: "Hủ tiếu là cuộc đời!".

Đúng rồi, hủ tiếu đâu có chết bao giờ, hủ tiếu đâu có sợ thất nghiệp, hủ tiếu đâu có sợ người ta quên nó. Hôm nay không hủ tiếu thì ngày mai hủ tiếu, hủ tiếu chẳng biến đi đâu cả, chẳng bao giờ mất cả, ăn để sống là qui luật rồi mà! Gã chọn hủ tiếu là cuộc đời là chọn sự bất diệt trong những ngày sống có ích, ngày nào người ta chẳng ăn để sống, không ăn món này thì ăn món kia. Ngày nào cũng có người ăn hủ tiếu, không phải người này thì cũng là người kia. Đâu có gì khó khăn khi chọn hủ tiếu là cuộc đời đâu, gã ngày nào cũng lao động, lao động nhiệt thành nữa ấy chứ. Phải bưng bê bằng tay nè, đi bằng chân nè, suy nghĩ bằng đầu óc nè, suy nghĩ để giữ cho tô hủ tiếu không nghiêng nè. Đã làm việc hết mình như thế thì không đáng quý sao, không đáng trân trọng sao, không đáng được bù đắp gì đó sao. Gã đã có một cuộc đời sống hết mình trọn vẹn bên hủ tiếu, hơn bao giờ hết, mẹ gã hạnh phúc vì nhìn thấy như thế! Mẹ cứ yên tâm rằng gã biết chọn cuộc đời cho mình như thế mà mấy ai hiểu được.

o O o


Một lúc nào đó bạn vô tình có ăn hủ tiếu, hãy thử nhớ đến một gã trai như thế. Để thấy rằng làm một con người rất khó, chọn cho mình một cuộc đời còn khó hơn nhiều. Chọn rồi thì mình phải sống ra sao cho nó chu toàn, cho nó nồng nhiệt, cho cuộc đời mình có ích theo một cách nào đó. Chúng ta tự cho mình quá đầy đủ nhưng đôi khi ta không biết thế nào sống cho nó cảm thấy vừa vặn. Còn với gã, chọn hủ tiếu là cuộc đời dù rằng gã không trọn vẹn nhưng gã đã sống vừa vặn trong cái không trọn vẹn đó biết bao.

Được hết mình chạy tới ngày mai là sung sướng biết bao nhiêu vậy mà mấy ai trong chúng ta có thể làm được…


Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Tưởng!

Lúc bé tưởng khóc là buồn, giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn.

Lúc bé, tưởng cười là vui, bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười.

Lúc bé, tưởng đông bạn là hay, bây giờ mới biết vẫn chỉ có mình mình.

Lúc bé, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, chỉ đến ở những chỗ không người, đến giờ mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế.

Lúc bé, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ, lớn rồi mới biết sau yêu còn có chia tay.

Lúc bé, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ thấy có nhiều người đã lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta mới biết không bao giờ bé trở lại được.

 

Lúc bé, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì có thể nhổ, bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn.

Lúc bé, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới, giờ thấy được ngay cả 1 người còn chẳng có khả năng thay đổi. Có chăng, vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

Lúc bé, cứ thích trở thành người phụ nữ phức tạp, tưởng thế là hay lắm. Giờ phức tạp đến độ không hiểu nổi mình, mới giật mình muốn trở thành một cô gái đơn giản, mà cũng chẳng được nữa rồi.

Lúc bé, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng, nhưng để yêu, mới khó làm sao.

Lúc bé, thích định nghĩa về tình yêu, tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D; bây giờ lớn lại cuống cuồng, hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì?

Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến, rồi đi như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất.

Lúc bé tưởng khi đi xa nhà là thích nhất, giờ xa nhà mới thấy buồn và nhớ thế nào.

Lúc bé tưởng mọi người sống vì mình, giờ lớn rùi mới thấy mình cần sống vì mọi người.

Lúc bé chơi trò cô dâu chú rể thấy đó là mơ ước, giờ mới thấy đó là thử thách.

Lúc bé tưởng cuộc sống là hôm nay, giờ lớn mới thấy sẽ còn có ngày mai và cả quá khứ.

Lúc bé tưởng con trai, con gái giống nhau, giờ mới thấy chẳng ai giống ai.

Lúc bé tưởng cho đi là hết, là tiếc nuối, giờ mới thấy cho đi là hạnh phúc, là còn mãi.

 

Lúc bé, thấy cuộc sồng đơn giản. Giờ mới thấy cuộc sống phức tạp đến chừng nào.

Lúc bé, nghĩ tình yêu là điều xa xỉ, giờ mới biết yêu cỡ nào cũng không đủ!

Lúc bé tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn lên còn biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.

 

Lúc bé rất sợ phải chết, nhưng bây giờ mới biết sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều..

Lúc bé tưởng tượng rất nhiều, và giờ đây khi lớn lên mới nhận ra chuyện cổ tích không bao giờ có thật.

Lúc bé mẹ nói yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, giờ lớn lên chợt nhận ra, có những yêu thương chỉ cho mà không nhận.

Lúc bé mong mình lớn, giờ đây lớn rồi sao mong mình bé lại quá chừng ...  

Lúc bé buồn thì khóc, vui thì cười, thấy mọi thứ đều đơn giản... nhưng giờ mới thấy sao xa lạ quá, là muốn trở về lúc bé nhưng lúc bé thì lại muốn trở thành người lớn.

Lúc bé, tưởng mình xấu xí. Bây giờ mới biết mình luôn đẹp nhất trong đôi mắt của một người.

Lúc bé, tưởng tình đầu là tình cuối. Giờ mới biết khi nó đã qua rồi ta mới nhận ra đó chỉ là tình đầu.

Lúc bé, tưởng "ngày mai không biết ra sao nữa, dù có ra sao cũng chẳng sao". Giờ mới biết thời gian quan trọng đến dường nào.

Lúc bé, tưởng kiến thức đã được học sẽ theo mình mãi mãi. Giờ mới biết kiến thức là những gì còn sót lại sau khi đã quên!

Lúc bé, tưởng cho đi là phải được nhận lại. Bây giờ mới biết cho đi là không bao giờ cần nhận lại.

Lúc bé, tưởng ta lớn lắm. Giờ mới biết, nhìn lại ta ngây ngô biết chừng nào!

 

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Cần Giờ, ngày trở lại - Đi để được chia sẻ!

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

Đi đi em can đảm bước chân đi

Ừ đói khổ phải đâu là tội lỗi

....

Đúng là nghèo bản thân chẳng có tội gì, nhưng  những người sống trong cái nghèo đó  đã gần như thu mình lại, luôn cảm thấy mặc cảm và tự ti.

Những ngày cuối tháng 10, thời tiết ở Sài Gòn như không chiều lòng khách. Cái se lạnh buổi sáng, cái nóng như rát thịt buổi trưa. Thế nhưng, sự khắc nghiệt ấy cũng không gây khó khăn với các anh chị em Tình nguyện, bởi ở họ luôn tràn đầy lòng nhiệt huyết "đi để được chia sẻ".

Đến với người nghèo, chia sẻ và giúp đỡ họ luôn là điều thôi thúc anh chị em chúng tôi mỗi khi có cơ hội. Không đếm được bao nhiêu lần anh chị em tạm gác lại những ngày nghỉ cuối tuần để  lên đường đến với bà con nghèo, trẻ em bất hạnh. Nhưng hôm nay là lần đầu tiên tôi cảm nhận được một tinh thần nhiệt huyết thật mãnh liệt nơi anh Tim Xanh  khi cuộc gọi điện lúc chạng sáng trong tiết trời se lạnh của Sài Gòn. Anh đã tiếp thêm nguồn động lực rất lớn trên con đường thiện nguyện mà chúng tôi đang đi.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi trên xe với những trận cười đau cả ruột, với những trò tiếu lâm của chị Fiona và anh Khanh, đoàn chúng tôi cũng đã đến điểm tập trung thứ nhất cùng bà con nghèo Ấp Doi Lầu và khu dân cư Cá Cháy thuộc huyện Cần Giờ. Khi tới nơi, bà con đã đứng đợi từ lúc nào không biết. Ai cũng mong sẽ nhận được một phần quà bé nhỏ từ chúng tôi.

Sau khi phát quà cho bà con xong ở Doi Lầu, Cá Cháy. Anh chị em lại một lần nữa lên xe vượt qua thêm hơn 40 km để đến với các em khuyết tật tại trường chuyên biệt Cần Thạnh. Nơi mà hằng năm anh chị em chúng tôi đều ghé thăm các em ít nhất một lần. Những ánh mắt, những nụ cười hồn nhiên của các em làm sao chúng tôi quên được. Em hồn nhiên, mong các em mãi được bình yên!

Những gì nhỏ bé chúng ta làm không thể thay đổi cái nghèo của họ, nhưng thay đổi cách nhìn của họ về cuộc đời để họ có thêm chút niềm tin, chút nghị lực để vươn lên trong cuộc sống, để họ thấy rằng cái nghèo của họ vẫn còn được an ủi khi có người quan tâm, chia sẻ.

 

Dưới đây là một số hình ảnh mà anh em đã ghi lại để chia sẻ cùng cả nhà. Cùng xem nhé!

 

Photobucket

Chuyển quà từ xe ra

 Photobucket

Phân chia và sắp xếp quà

Photobucket

Chia những món quà chứa đầy những tấm lòng

 Photobucket

Chia nhau niềm hạnh phúc

Photobucket

Mong chờ

 Photobucket

Chờ mong

Photobucket

Kiểm phiếu - phát quà 

Photobucket

Niềm hạnh phúc ngập tràn

 Photobucket

Sao lâu tới phiên mình?

 

 

Photobucket

Chia sẻ những tấm lòng

 Photobucket

Niềm tin - ta bước

Photobucket

Ước mơi - vươn tới

Photobucket

Mơ về nơi xa

 Photobucket

Có quà rồi - ta về  Photobucket

Anh chị em chúng tôi ở điểm phát quà thứ 1

 

Photobucket

 Về với trường chuyên biệt - Cần Thạnh

Photobucket

Ánh mắt buồn mệt nhoài của em

Photobucket Photobucket

Các em sinh hoạt với anh chị em trong đoàn

 Photobucket

Hôm nay mình vui quá

Photobucket

Anh Đạt - ảo thuật gia

Photobucket

Các em quây quần xem ảo thuật

Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket

Những món quà và niềm tin chiến thắng

 

Photobucket 

Những anh chị em điệu nhất trong đoàn

Photobucket Muốn ôm tất cả .....

Một lần nữa xin tri ân những tấm lòng vàng, xin chân thành cảm ơn các anh chị em đã luôn động viên, tiếp sức, an ủi và đồng hành để Vòng Tay Nhân Ái thực hiện các chương trình. Kính chúc toàn thể anh chị em và bạn bè gần xa sức khỏe, niềm tin và sự thành đạt. Mong rất mong những con số hộ dân nghèo và trẻ em khuyết tật ngày một ít đi. Mong lắm!