Tuổi thơ của chúng ta đã trải qua những tháng ngày êm đềm, yêu thương của mùa hè nắng cháy, của mùa đông giá buốt và được bảo bọc chăm sóc bằng những câu hát ru của Mẹ, những luồng gió mát từ bàn tay Cha. Còn tuổi thơ của các em ở Mái Ấm Chùa Diệu Pháp – Long Thành thì ngược lại, hơn 130 em nơi đây đã thiếu đi cái tình yêu thương ấy. Các em chỉ được sự quan tâm lo lắng của Sư Cô Huệ Đức, một người vừa làm Cha, vừa làm Mẹ cho các em. Tiếp xúc với các em mồ côi chúng ta mới có dịp thấm thía hết những hạnh phúc mà mình đang có, hạnh phúc vì có cha, có mẹ. Hai từ “Mồ Côi” thật ngắn ngủi làm sao nhưng nó diễn tả cả một chặng đường gian nan, bất hạnh mà chúng ta khó có thể hình dung đầy đủ được.
Tháng 6, tháng hành động vì trẻ em bất hạnh, nhóm VTNA đã chọn một ngày thật đặc biệt để đến với các em, “Ngày Tết Đoan Ngọ”, với mong muốn thật bình dị, mong các em cùng vui với niềm vui của bao em bé khác, cùng đón một ngày mồng 5 tháng 5 thật ấm cúng và đầy ý nghĩa.
Đúng 5 giờ 30 sáng CN ngày 8/6/2008 các bạn đã có mặt để chuyển những thùng quà tới nơi tập trung cho kịp giờ. 6 giờ, cả đoàn xuất phát trong niềm hân hoan và hạnh phúc với một mong ước thật nhỏ nhoi: Chúng ta hãy cùng nhau giúp các em vơi đi nỗi bất hạnh, hãy để tiếng cười của các em được ngân vang. Hãy bỏ công sức ra để mua những niềm vui và những nụ cười ấy.
8 giờ sáng, nhóm đã đến nơi, từ ngoài cổng nhìn vào, dưới cái bóng mát của hàng cây tĩnh lặng trong khuôn viên Chùa, đám trẻ đang nô đùa, gọi nhau í ới, một vài em bé lẫm chẫm bước đi. Các em đều là trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi phải nương nhờ nơi cửa Phật.
Hôm nay VTNA đến với các em không chỉ là những trò chơi, những gói quà bé nhỏ, những cái vuốt ve chia sẻ mà các anh chị đã chuẩn bị cho các em một bữa ăn thật chu đáo. Được sự cho phép của Sư Cô Huệ Đức, nhóm đã chuẩn bị một buổi ăn mặn cho các em bằng sự trổ tài của Chị Linh và Anh Phương cùng với một số học trò của mình.
Hầu hết các trẻ nơi đây đều không rõ nguồn gốc, quê quán. Nhiều bé bị vứt ở cổng chùa khi mới vài tháng tuổi, được nhà chùa cưu mang nuôi nấng. Có em bị cha mẹ bỏ rơi, hoặc nghiện ngập không nuôi nổi con đem lên chùa nhờ nuôi hộ, chẳng thấy quay lại.
Chùa Diệu Pháp vẫn nghiêm trang, tĩnh mịch. Nơi đó luôn dạt dào dòng chảy nhân văn của những con người nhân hậu, luôn mở rộng vòng tay góp phần xoa dịu nỗi đau nhân thế. Chúng ta có thể thấy được sức sống mãnh liệt của các em dưới bàn tay và hơi ấm tình người của người Mẹ nơi đây, các em đều được vui chơi học hành dưới sự chăm sóc của Sư Cô Huệ Đức.
Được đem chút sức lực của mình sẻ chia cùng những khó khăn, thiếu thốn với những người bất hạnh và được nhìn các em ăn những tô bún, uống những hộp sữa, những mệt mỏi của chúng tôi dường như tan biến.
Rời Mái Ấm trong cái nắng của mùa hè, trong những ánh mắt trong veo ngời lên khát vọng mãnh liệt. Trong chúng tôi, ai cũng trào dâng những cảm xúc thật đặc biệt: Đó là sự cảm phục Sư Cô Huệ Đức, bằng những cố gắng và tình yêu thương đã tạo cho các em có một cuộc sống độc lập với những nghề nghiệp khác nhau. Từ Mái Ấm này, có rất nhiều em đã trưởng thành. Hy vọng những khát vọng của những số phận thiệt thòi như thế sẽ được nuôi dưỡng và chắp cánh bay lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét